Quyết định hỗ trợ 50% giá phân bón, thuốc BVTV và hỗ trợ phân bón lót

Xung đột giữa Ukraine – Nga đã và đang làm gia tăng sức nóng của mặt hàng phân bón vốn đã rất nóng từ trước đó. Hiện giá phân bón thế giới đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, kéo theo đó là nguy cơ thiếu lương thực và bất ổn toàn cầu.

Hiện giá phân bón đã tăng 40% so với thời điểm một tháng trước (trước xung đột Nga và Ukraine xảy ra hôm 24/2). Theo Bloomberg, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets tuần trước (kết thúc vào ngày 18/3) là 1.248 USD/tấn, tăng gần 10% so với tuần trước đó, và là mức giá cao nhất từng được ghi nhận.

phan-bon-humic-kich-re-xuat-xu-my-nong-nghiep-sai-gon

Lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ các nước và chính sách cắt giảm sản lượng của các công ty sản xuất đã khiến giá phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, giá khí tự nhiên (một nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón nitơ) cũng tăng cao trong bối cảnh Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và các nước châu Âu đang thảo luận về việc ngừng phụ thuộc vào năng lượng của Matxcơva.

Không chỉ phân bón, các mặt hàng khác như xăng, dầu cũng đang leo thang chóng mặt. Nhằm ngăn chặn những hệ lụy có thể xảy ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã tính đến phương án trợ giá các mặt hàng này.

Nhận định xung đột Nga – Ukraine có thể kéo dài trong ít nhất 3 tháng, Thủ tướng Thái Lan vừa qua đã yêu cầu các Bộ và các cơ quan chức năng cần chuẩn bị các biện pháp để đối phó với tác động từ cuộc chiến này. Để giúp người dân chống chọi với ảnh hưởng do xăng tăng giá, nước này đã chi hàng tỉ baht mỗi tháng để bình ổn giá nhiên liệu và dự kiến tăng phúc lợi, hỗ trợ người dân chi trả tiền điện.

Các Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia cũng được yêu cầu tìm cách giảm sự tăng giá phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Trước đó, ngày 16/3, Nhật Bản cũng thông báo sẽ chi khoảng 3 tỷ USD để nâng trợ giá cho các nhà phân phối dầu lên 25 yen (khoảng 0,21 USD) cho mỗi lít, bắt đầu từ ngày 17/3. Còn khoản trợ cấp đối với giá xăng sẽ xác định theo mỗi tuần khi giá vượt ngưỡng 170 yen (1,43 USD) mỗi lít.

Chính phủ Pháp cũng dự chi khoảng hơn 2 tỷ Euro để thực hiện chính sách giảm giá 0,15 euro (0,16 USD) cho mỗi lít nhiên liệu vận tải nhằm giúp các tài xế đối phó với việc giá nhiên liệu tăng cao.

Còn tại Việt Nam, tỉnh Lai Châu vừa có chính sách phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung. Theo đó tiến hành hỗ trợ 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ phân bón lót cho các loại cây chè, cây ăn quả. Việc liên kết sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ giá, qua đó giúp cho bà con giảm bớt khó khăn.

Nguồn: http://nongdan.com.vn/quyet-dinh-ho-tro-50-gia-phan-bon-thuoc-bvtv-va-ho-tro-phan-bon-lot-12955.html